Categories
Giai thoại

Một thần đồng

Một thần đồng là giai thoại về Thi sỹ Nguyễn Bính lúc còn nhỏ. Năm 1931, ở làng Thiện Vịnh, Vụ Bản, Nam Định, người ta đồn ầm lên là có một thần đồng! Đó là một cậu bé mười ba tuổi được giải nhất trong một cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng. Mà oái oăm, người thứ nhì lại là một cụ lão bà ngoài bảy mươi tuổi, đầu tóc bạc phơ. Cậu bé đó là Nguyễn Bính và cụ già là cụ bà Nguyễn Thị Chanh.

Một thần đồng

Chẳng là, từ mùng sáu đến mùng tám tháng giêng ta cùng dịp hội phủ, làng tổ chức thi hát trống quân ở ngay sân đình, một bên nam một bên nữ. Cụ Chanh gà cho bên nữ, Bính gà cho bên nam. Hát đối đáp nhau, hỏi đố nhau suốt đêm, cuối cùng, bên nam thắng cuộc chính là nhờ câu hỏi đáp rất hay của Bính.

Ngày nay, các anh chị hồi ấy (bây giờ là các cụ cả rồi) còn nhớ mấy câu sau đây:

…”Anh đố em này:

Làng ta chưa vợ mấy người?

Chưa chồng mấy ả, em thời biết không?

Đố ai đi khắp Tây Đông,

Làm sao kiếm nổi tấm chồng như chúng anh đây?

Làm sao như rượu mới say,

Như giăng mới mọc, như cây mới trồng?

Làm sao như vợ như chồng?

Làm sao cho thỏa má hồng răng đen?

Làm sao cho tỏ hơn đèn?

Làm sao cho bút gần nghiên suốt đời?

Làm sao? anh khen em tài?

Làm sao? em đáp một lời, làm sao…?

Câu đố mà lại như câu hát, thật trữ tình, thật thơ mộng, và thật khó trả lời, làm bên nữ chỉ mải cười rúc rích, đấm nhau thùm thụp, và rồi… sau năm phút mười phút, sau ba hồi trống dài, bên nữ không đáp được! Thế là các già làng chấm bên nam thắng. Bọn con trai sung sướng hò vang, kiệu Nguyên Bính lên vai đi khắp vòng đình.

Có lẽ những ngày thơ ấu, những câu hát đồng quê ấy đã tạo nên cái chất Nguyễn Bính, nhà thơ chân quê của chúng ta sau này.

Theo cụ P. và cụ N. ở quê Nguyễn Bính

Nhà Lưu niệm Nguyễn Bính

You May Also Like

More From Author

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *