Categories
Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội Văn xuôi

II – Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội

II

Tuấn đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ, cây hoàng lan rũ rượi ướt át trong mưa gió một sáng mùa đông. Cái rét mướt đang đắc chí hoành hành. Chàng thẫn thờ nói một mình:

– Mưa gió thế này, biết Hoàng Diệp có đúng hẹn đến không?

Chàng quay về phía giường gọi Điệp:

– Điệp ơi! Có dậy không? Hoàng Diệp sắp đến đấy! Tám giờ rưỡi rồi!

Điệp vội vàng ngồi dậy:

– Quái mình có cái tính ngủ trưa, không chừa được.

Tuấn cười:

– Nhưng giời rét này giá có dậy sớm cũng còn nằm trong chăn chán rồi mới buồn dậy.

Điệp xỏ chân vào đôi dép dừa:

– Thôi đi dọn dẹp nhà cửa để đón tiếp một mỹ nhân.

Tuấn cũng nói:

– Một mỹ nhân em một mỹ nhân.

– Thế này thì đúng hơn, một mỹ nhân em một tình nhân.

Hà Nội: Hai nguoi điên

Tuấn nhắc lại câu ban nãy:

– Mưa gió thế này, không biết Hoàng Diệp có đến không?

Điệp vừa xuống thang gác vừa nói:

– Tôi tin rằng thế nào cũng đến. Mưa gió thì đã có xe. Từ Mai Động đến đây xa xôi là bao nhiêu! Tuấn dọn nhà dần đi rồi tôi lên tôi dọn với để bề bộn thế sao tiện.

Tuấn vẫn ngồi yên ở ghế:

– Cần gì! Nhà của thi sĩ mà bừa bộn là sự dĩ nhiên rồi. Ai cười.

Tuấn nghĩ đến hôm ở nghĩa trang chàng và Điệp đã đem đầu đuôi câu chuyện thăm mộ kể cho Hoàng Diệp nghe, cùng những nỗi niềm đau khổ, những tư tưởng khắc nghiệt về đàn bà, nó là cái cớ để đưa cuộc tình duyên đến với Hoàng Lan.

Được cái Hoàng Diệp là người có học thức, và cũng có vẻ thi sĩ, nên không cho đó là sự vô lý. Hơn nữa, nàng tỏ vẻ kính trọng và có thiện cảm với Tuấn và Điệp. Nàng cũng biểu đồng tình với hai người về việc yêu Hoàng Lan, và cũng coi cái tình yêu đó là thiêng liêng.

Nàng kể cho Tuấn và Điệp biết ngày trước Hoàng Lan là một người con gái hiếm có. Không nói về nhan sắc làm cho bao nhiêu vương tôn công tử say mê, đến như tài hoa của nàng mới thật là tuyệt phẩm. Nàng làm thơ hay, đánh đàn giỏi, các việc nữ công thì khéo ít ai bì.

Rồi Hoàng Diệp nói với hai người bằng một giọng nghẹn ngào.

– Vậy mà, với chị tôi, mối tình của hai ông mới là mối tình đầu tiên đấy thôi.

Lúc ấy chàng và Điệp cùng rưng rưng nước mắt. Than ôi! Người con gái ấy chết đi thì trên đời này còn làm gì có một trang tài sắc nữa?

Tuấn chợt nghĩ đến Hoàng Diệp. Ừ! Hoàng Diệp có thể là một trang Tài Sắc thứ hai.

Nàng cũng biết làm thơ, biết đánh đàn. Nhưng không hiểu sao chàng vẫn tin rằng Hoàng Diệp không thể nào bằng Hoàng Lan được. Có lẽ mối tình của chàng đã gửi hẳn về bên người chết mất rồi. Chàng phải chung tình với người chết.

Điệp đã lên, và hỏi Tuấn:

– Không biết thơ Hoàng Lan có hay bằng thơ chúng mình không nhỉ?

Tuấn đáp ngay:

– Nếu đã gọi là thơ thì không có hay hơn hay kém. Mỗi người làm một thơ khác nhau. Cũng như anh và tôi, thơ anh thì rất giản dị, thơ tôi thì bí mật. Miễn là hay.

Điệp gật đầu, nói sang chuyện khác:

– Tiếc quá nhỉ! Giá đừng chôn theo Hoàng Lan quyển thơ của nàng thì có phải bây giờ chúng mình được xem không. Sao trước không thấy nàng đăng thơ vào một tờ báo nào nhỉ?

– Có những người làm thơ không bao giờ nghĩ đến sự đăng báo. Hoàng Lan ở vào số người ấy.

Tuấn vừa nói đến đấy thì có tiếng gõ cửa. Chàng nói nhỏ với Điệp:

– Có lẽ Hoàng Diệp.

Điệp nói to:

– Ai đấy? Có phải Hoàng Diệp xin cứ vào.

Cánh cửa từ từ mở, để lộ một trang kiều diễm: Hoàng Diệp.

Hoàng Diệp cười rất tươi, cúi đầu chào.

– Hai anh. Em đến chậm mất nửa giờ.

Tuấn cười nói:

– Tôi cứ tưởng mưa gió thế này, cô không đến kia đấy.

Điệp nói:

– Chỉ có tôi là tin chắc chắn thế nào cô cũng đến. Cô vào trong này. Chắc cô rét lắm nhỉ?

Hoàng Diệp vắt áo khoác ngoài vào thành ghế, ngồi xuống, trông quanh mà nói:

– Hai anh? Cái buồng này vừa vặn mà xinh quá nhỉ!

Tuấn nói:

– Chúng tôi không thấy xinh mà chỉ nhận thấy sự bừa bộn.

Hoàng Diệp mỉm cười:

– Bừa bộn có sao! Nếu là cái bừa bộn của sách vở, của thi sĩ.

– Thế cô cho thi sĩ thì có quyền bừa bộn à?

– Và có quyền có một tình yêu lạ lùng nữa.

Ba người cùng cười:

Hoàng Diệp lại nói:

– Ngày trước em được xem, văn thơ của hai anh, em rất ao ước được gặp hai anh. Ai ngờ ngẫu nhiên mà được gặp, thật là may mắn quá!

Điệp đáp:

– Thì đã mất đi cái ao ước. Mà cái ao ước bao giờ cũng nên thơ. Sự thật không bao giờ bằng mơ ước đâu. Có phải không Hoàng Diệp? Vì chúng tôi cũng chỉ là người thường như trăm nghìn người thường.

– Nhưng tâm hồn của các anh khác người thường, thế là quá đủ, và hiếm có lắm rồi. Cái ao ước mất đi, đã được đền bù bằng sự kính mến.

Điệp vừa lúi húi pha chè tầu vừa nói:

– Ấy là từ ngày chúng tôi thuê căn gác này, Hoàng Diệp là người đàn bà đầu tiên đặt gót giầy lên thang.

Hoàng Diệp cười:

– Hân hạnh cho em quá nhỉ.

Điệp nói:

– Có lẽ hân hạnh cho chúng tôi thì đúng hơn.

Hoàng Diệp nói:

– Em tưởng các cô gái bây giờ cũng nhiều cô thích văn chương và cảm các nghệ sĩ lắm đấy chứ! Chắc các anh muốn cho em vui lòng thì nói thế, chứ trước em tất có nhiều cô đến thăm các anh rồi.

Điệp bưng một chén nước đến đưa mời Hoàng Diệp:

– Diệp uống nước đi. Không, tôi không nói dối Diệp. Chúng tôi viết văn làm thơ có phải để cho tụi con gái cặp tóc xem đâu. Các cô bé ấy hiểu thế nào được văn chương. Cũng nhiều cô chắc là a dua, muốn làm một người tình của nghệ sĩ để có tên tuổi trong văn học sử mai sau, hoặc có cái hy vọng được làm bà chủ sa lông văn học, nên có ý muốn tìm đên với chúng tôi, song chúng tôi đều từ chối, không dám cho các cô ấy biết chỗ ở của mình. Xin lỗi Diệp nhé! Con gái mà được một người như Diệp thì khó lắm! Các cô ấy mà đến, thấy nhà cửa thi sĩ chỉ là một căn gác xép, đô đạc rẻ tiền, quần áo của thi sĩ không sang trọng, đầu thi sĩ không chải mượt và lưỡi của thi sĩ không biết uốn theo một chiều để nịnh hót các cô ấy. Lúc ra, các cô ấy sẽ nhổ bọt ngay và nói:

– Úi cha! Tưởng thế nào!

Tuấn nhắp một hơi chè tầu, rồi thêm vào một câu:

– Thà để cho họ mơ ước. Họ đến gần mình họ sẽ coi thường mình đi.

Điệp nói đùa:

– Những tiểu thư Hà Nội xin nhường để các công tử Hà Nội yêu. Chúng tôi không phải người của Hà Nội.

Hoàng Diệp cũng hỏi đùa:

– Các anh đương ở giữa Hà Nội thì các anh không phải là người của Hà Nội là gì?

– Không, chúng tôi là người của Thơ…

Tuấn nói thêm:

– Và của…

Chàng ngần ngừ không nói hết.

Hoàng Diệp đưa mắt hỏi:

– Và của ai? Sao anh không nói ngay đi! Có phải hôm ở nghĩa trang em đã xin nói hai anh được làm em hai anh. Hai anh phải coi em như một người em ruột thân yêu chứ! Đừng dấu em điều gì mới được.

Tuấn đáp:

– Chúng tôi không dấu Diệp điều gì đâu. Chúng tôi rất vui mừng khi được Diệp coi như người anh. Chúng tôi là người của thơ…Và của ai thì hẳn Hoàng Diệp cũng biết rồi.

Hoàng Diệp trầm ngâm một lát rồi nói:

– Em về có khoe với me em câu chuyện gặp hai anh. Me em bảo mời hai anh hôm nào tạnh ráo xuống chơi trại với me em. Me em là người đàn bà hiểu đời nên rất tự nhiên.

Điệp hỏi:

– Cái trại của nhà gọi là trại gì nhỉ?

– Trước kia là trại Hoàng Lan, nhưng từ ngày chị em mất đi thì đổi là trại Hoàng Diệp, tên em.

– Ở giữa làng Mai Động?

– Vâng, ở giữa làng, nhưng rất tiện, có thể đi xe vào đến tận cổng trại. Bây giờ trong trại chỉ có me em và em với mấy người đầy tớ. Từ ngày chị em mất đi, trại càng vắng vẻ. Mỗi lần nhớ đến chị em, me em lại khóc thầm. Giá có các anh đến chơi thì me em tất vui mừng lắm. Chị Lan em ngày trước thì ít giao thiệp với các bạn, còn em chỉ có mấy cô bạn gái thôi, chứ bạn giai em rất ghét và rất sợ.

Nói đến đấy, nàng cười:

– Sợ như các anh sợ đàn bà vậy. Các anh hẹn hôm nào xuống chơi nào?

Tuấn đáp:

– Diệp vừa mới nói hôm nào tạnh ráo thôi! Mà các anh thì đoán trước thế nào được tiết giời thay đổi.

Hoàng Diệp vô tình trông thấy chiếc kỷ gụ có bài vị và bát hương liền hỏi:

– Ô kìa! Hai anh thờ ai thế?

Tuấn thong thả nói:

– Còn thờ ai nữa.

Điệp sợ Diệp không hiểu, nên nói thêm:

– Thờ Hoàng Lan đấy Diệp ạ!

Diệp bùi ngùi cảm động, nhìn chăm chăm vào chiếc bài vị một lát; rồi lắc đầu:

– Các anh! Các anh kỳ khôi quá! Các anh chung tình ít có.

Nàng rơm rớm nước mắt, nói tiếp:

– Chị tôi nào có đưa lại cho hai anh được cái gì! Biết vong hồn chị tôi có hiểu thấu nỗi lòng của hai anh không?

Tuấn cũng cảm động:

– Sao lại không. Hoàng Lan tất đã nhận những cảm tình của chúng tôi. Hoàng Lan đã cho chúng tôi được biết thế nào là một tình yêu cao khiết thiêng liêng và vĩnh viễn. Vả lại chúng tôi được sung sướng rằng chẳng bao giờ Hoàng Lan còn phụ bạc chúng tôi. Như vậy là quá đủ.

Hoàng Diệp đến bên cạnh chỗ thờ Hoàng Lan mà nói:

– Để em phải thắp ba nén hương trước bài vị chị Lan em mới được. Bài vị có những chữ nho gì thế này hả các anh?

Điệp chạy đến bên:

– Yên tôi đọc cho Diệp nghe nhé! Vương Thị Hoàng Lan tự Trinh thục linh vị, mệnh chung thập tứ nhật trọng đông mậu dần, Thọ thập thất tuế.

Hoàng Diệp ngơ ngác hỏi:

– Nghĩa là thế nào? Anh cắt nghĩa cho em nghe với, em có biết chữ nho đâu.

Điệp liền cắt nghĩa:

– Nghĩa là: Chiếc bài vị thiêng liêng để thờ Vương Thị Hoàng Lan tên tự là Trinh thục, mất ngày mười bốn tháng trọng đông năm mậu dần. Thọ được mười bẩy tuổi.

Hoàng Diệp lại ngơ ngác hơn:

– Lạ nhỉ! Sao các anh biết rõ thế?

– Có gì là lạ! Các anh biên đúng với tấm bia ở mộ Hoàng Lan đó thôi.

Hoàng Diệp nhớ ra, nhoẻn miệng cười:

– Em thật chẳng thông minh một tý nào.

Nói rồi nàng cầm lấy hương để sẵn đấy, rút ra ba nén, đánh diêm đốt lên mà cắm vào bát hương. Khói hương vẽ thành ba đường, dâng cao lên đến tận trần nhà, y như ba sợi lụa bỏ lòng thòng tư trên cao xuống.

Bên ngoài, trời vẫn mưa gió, cái rét mướt vẫn đắc chí hoành hành. Cây hoàng lan đẫm nước vẫn vật vã rũ rượi như một người vợ trẻ khóc chồng.

Ba người lẳng lặng nhìn nhau và cùng tưởng nhớ đến Hoàng Lan.

Không khí trong căn gác lúc bấy giờ thật là lạnh lẽo và buồn, gần như thê thảm.

Khói hương vẫn trễ nãi vươn cao lên.

Lâu lắm, Điệp mới cất tiếng bảo Hoàng Diệp:

– Hôm nay Diệp ở đây ăn cơm với chúng tôi. Thử ăn một bữa cơm xoàng của nhà thơ xem sao.

Diệp còn ngần ngừ chưa nhận lời, Tuấn đã nói tiếp:

– Diệp cấm từ chối, nếu muốn làm em gái chúng tôi. Em gái thì anh bảo phải nghe chứ!

Điệp lại nói:

– Chịu khó ăn cơm rồi chúng tôi đọc thơ mà nghe. Chúng tôi còn bắt chước chàng Tú Uyên ngày xưa, cúng cơm người trong tranh nữa kia.

– Cúng cơm người trong tranh là thế nào?

– Chàng Tú Uyên ngày xưa mua được một bức tranh mỹ nhân, đem về treo ở nhà, mỗi bữa cơm thì đem cúng và cầu nguyện người con gái trong tranh hiện về. Chúng tôi không có người trong tranh, chỉ có người trong tưởng tượng. Chúng tôi mỗi bữa cũng cúng cơm Hoàng Lan, nhưng không bao giờ dám mong ước Hoàng Lan hiện về.

Tuấn nói với Diệp:

– Hương sắp tàn rồi! Diệp thắp lên ba nén nữa đi. Hôm nay có Diệp đến chơi với chúng tôi, Hoàng Lan hẳn phải vui vẻ lắm!

Hoàng Diệp vừa thắp ba nén hương nữa vừa nói:

– Thật ra căn gác lúc này có bốn người.

– Bốn tấm linh hồn.

Điệp nói thêm:

– Bốn tấm linh hồn yêu nhau. Ở đời này có hai tấm linh hồn yêu nhau bằng một mối tình cao khiết và thiêng liêng kể cũng là khó. Huống chi ở đây lại có những bốn tấm linh hồn. Chúng mình còn kiêng gì mà không nói rằng chúng mình là người sung sướng nhất.

Ba người nhìn nhau im lặng.

Từng dòng khói hương xoắn xuýt lấy nhau, bện chặt vào nhau thành một dòng.

Bên ngoài, trời vẫn mưa, vẫn gió, vẫn rét…

Nhưng những tấm lòng trong căn gác này bỗng thấy ấm áp hẳn lên, và tươi lên như một buổi sáng có nắng mới. Ấm và tươi bởi vì có nhau.

(Còn tiếp)

Nguyễn Bính

Nhà Lưu niệm Nguyễn Bính

You May Also Like

More From Author

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *