Categories
Tiểu sử

Thi sỹ Nguyễn Bính và bài thơ Chân Quê

Thi sỹ Nguyễn Bính với Bài thơ Chân Quê là bài thơ được nhiều nhạc sỹ phổ nhạc và được nhiều người biết đến. Đó không chỉ là một bài thơ hay mà còn là một tuyên ngôn của thi sỹ Nguyễn Bính chống lại kiểu thơ lai căn, ảnh hưởng văn hóa Âu Tây.

Thi sỹ Nguyễn Bính

Có thời gian Thi sỹ Nguyễn Bính ở cùng cụ Đức Trấn (một trong số những người bạn thân của thi sỹ), hai người thuê chung cái gác xép ở Hoàng Mai. Một lần, cụ Hoàng Tấn (cũng là bạn cố tri của Nguyễn Bính) đến chơi nhà, cụ Đức Trấn đưa cho cụ Hoàng Tấn xem bài thơ Chân Quê của thi sỹ Nguyễn Bính và nói: Bài thơ này ông quá biết rồi, nhưng đố ông bài thơ này tác giả muốn nói gì? Cụ Tấn liền trả lời: Bài thơ giản dị trần trụi đến mức như con nhộng, có ai mà chẳng hiểu! Cụ Đức Trấn cười, bảo cụ Tấn chịu khó đọc lại bài thơ, suy gẫm xem tác giả có ẩn ý gì không? Cụ Tấn cầm lấy bài thơ, đọc to:

CHÂN QUÊ
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
Còn đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân
Còn đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen
Nói ra sợ mất lòng em
Can em em hãy giữ nguyên quê mùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
Hoa chanh nở ở vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Thi sỹ Nguyễn Bính

Đọc xong bài thơ, Hoàng Tấn vẫn khư khư giữ lấy ý kiến của mình. Cụ Đức Trấn cười, nói: Đây là một bản tuyên ngôn của Nguyễn Bính chống lại kiểu thơ lai căn, ảnh hưởng văn hóa Âu Tây, đưa vào thơ thứ từ ngữ như dịch nguyên xi của nước ngoài:“Hỡi thượng đế, Người đã cho thân thể / Bình thịt xương để đựng chứa linh hồn”. Cụ Hoàng Tấn sau khi nghe cụ Đức Trấn đọc liền mọc mạch câu thơ trên, ông khẳng định những câu thơ đó là thơ mới, và thơ của Nguyễn Bính cũng nằm trong trào lưu thơ mới.

Lắng nghe mọi người bàn luận, thi sỹ Nguyễn Bính trầm ngâm giây lát, từ tốn nói:

Thực ra tôi không đến nỗi cực đoan thế đâu! Tôi chỉ chủ trương thơ Việt phải viết cho người Việt, do đó ngôn từ dân tộc là một điểm rất quan trọng. Thơ phải có tính chân thật, điều cốt lõi là phải giản dị, giản dị đây không đồng nghĩa với tầm thường. Khi tôi viết:“Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá” thì đúng là có nhiều bướm trắng bay lượn từng đàn ở Mộc hoa trang. Có Đức Trấn biết đấy. Khi tôi hạ bút viết: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn”. Thì đúng là sự thật y như vậy. Cô hàng xóm ấy, ngày ngày mang tơ vàng ra hong ngoài mái hiên. Cô không bao giờ cười, đôi mắt lúc nào cũng buồn đăm đăm. Cái ngoại cảnh ấy đã gây cảm xúc trong thơ tôi, còn phần suy luận tình cảm, ý nghĩ chân thật của lòng mình ra sao thì cứ việc điểm xuyết thêm thắt vào miễn sao cho nhuyễn. Với chủ trương trên, toàn bộ thơ tôi từ trước đến nay, và chắc chắn sau này cũng vậy sẽ mãi mãi trung thực với lòng mình.

Về bài thơ Chân quê, trong Giai thoại Nguyễn Bính,Họa sĩ Nguyệt Hồ cũng đã đề cập đến: Trong phong trào thơ mới (1936- 1945), có hai trường phái một chủ trương cách tân cả nội dung lẫn hình thức, cho nên ta thấy có nhiều bài y như thơ Pháp, nhiều người đùa bảo đó là những “nhà thơ Tây lai”. Còn một chủ trương giữ lấy hồn dân tộc. Khi nhóm đại diện cho trường phái thơ cách tân, tung ra các bài thơ: Tình già, Cây đờn muôn điệu… như một tuyên ngôn về thơ của phái mình, Nguyễn Bính trả lời dưới dạng một bài thơ tình tế nhị, đó là bài Chân quê.

Nhà Lưu niệm Nguyễn Bính

More From Author

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *