Categories
Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội

Chương II – Hai người điên giữa Kinh thành Hà Nội

Nguyễn Bính – Văn xuôi

CHƯƠNG II

Trước kia, Tuấn và Điệp không quen nhau, tuy viết bài cho một tờ tuần báo.

Tuấn ở Bạch Mai, Điệp ở Ngũ Xá, cạnh hồ Trúc Bạch; vậy mà bây giờ hai người lại ở chung nhau một căn gác phố Hàng Dầu. Cái cớ đưa dắt một người đầu Hà Nội với một người cuối Hà Nội đến họp nhau ở giữa Hà Nội ấy thật là ngẫu nhiên.

Một đêm mùa đông rét lạ lùng! Rét ghê gớm! Rét rũ rượi! Rét tưởng chừng đến chết sạch cá ở hồ Hoàn Kiếm, đến chết cứng cả con rùa thần dám láo xược cướp mất thanh gươm báu của Vua Lê Thái Tổ ngày xưa. Vậy mà Điệp vẫn còn lang thang ở bờ hồ. Được cái trời không mưa; chỉ có gió không thôi. Điệp kéo cao cổ áo lên, đội thật thấp mũ xuống mà đi, đi rất chậm như đếm từng bước. Hình như chàng đương bị một chuyện gì buồn lắm! Cho nên người ta, giờ này thì nằm vào giữa chăn bông, chứ tội vạ gì lại đi vào giữa gió lạnh như thế!

Quả thật Điệp đương có một chuyện rất buồn, nên đã hai đêm nay chàng cứ đi lang thang không tưởng đến ăn ngủ nữa.

Ha người điên
Ha người điên

Mối buồn ấy vì một người con gái.

Chao ôi! Ở trên thế gian này, những mối buồn vì người con gái thật là nhiều. Có ai dám nói quả quyết rằng đời mình chưa bao giờ phải buồn vì một người con gái không nào?

Mối tình đầu tiên của Điệp là chàng yêu một người con gái học trò ở tỉnh Hà Đông. Chàng đem hết cả tuổi trẻ ra mà yêu, yêu say sưa, yêu tha thiết, yêu đắm đuối, yêu tuyệt vời. Nhưng chàng thấy cô ta còn trẻ dại quá! Không hiểu nổi tấm tình yêu mãnh liệt của chàng, nên chàng đành yêu thầm kín trong năm sáu năm trời. Chỉ vì chàng không chịu thổ lộ, mà cuộc tình duyên ấy thành ra lỡ dở. Người con gái ấy đi lấy chồng.

Chàng buồn khổ mất một dạo.

Sau chàng ra giữ mục thơ cho một tờ tuần báo. Thường có một thi sĩ ở Sông Thương gửi thơ về đăng, thơ cô ta nhiều câu hay, chứng tỏ ra người có tài. Hai người làm quen với nhau bằng thư, rồi dần dà, yêu nhau. Trong bốn tháng trơi, hai người cứ yêu nhau bằng thư như thế, bởi không có dịp được gặp nhau. Vì cô ta có một ông bố rất nghiêm khắc, có thể gọi là nghiêm khắc nhất trong các ông bố nghiêm khắc. Ông ta nhà nho, nên tòng cổ. Cái gì là mới thì ông ta ghét như thuốc ngứa, ghét đến cực điểm. Ông ta thấy con gái mình làm thơ đăng báo, thì quả quyết cho là con hư, làm hại thanh danh nhà ông, nên ông đánh đòn cho không biết bao nhiêu trận, và cấm cửa không cho đi đâu. Quên, chưa giới thiệu. Ông ta lại làm quan nữa. Nhưng đánh thì đánh, cấm thì cấm, cô ta cũng không bỏ được cái tính thích làm thơ và thích đăng báo, cô ta vẫn dùng hết thiên phương bách kế để được gửi lọt bài và thư cho tình nhân, song cô ta phải đổi biệt hiệu luôn luôn cho ông bố khỏi biết.

Một hôm Điệp nhận được một lá thư của cô ta, trong đó vỏn vẹn có mấy chữ:

Anh Điệp,
Anh phải lên ngay Sông Thương đúng tám giờ rưỡi sáng ngày chủ nhật tới, sẽ có người đón anh ở ga, nếu không thì không có dịp nào gặp nhau nữa.
EM HỒNG HƯƠNG.

Điệp mừng cuống lên. Suốt đêm, thứ bảy chàng không dám chợp mắt, chỉ sợ ngủ quên đi, lỡ giờ tầu thì thật là oan gia.

Điệp đã lên đúng giờ tầu, và đã gặp tình nhân. Hai người men bờ Sông Thương về mãi miền nhà quê, cách tỉnh lỵ chừng hai cây số, để tình tự cùng nhau.

Bốn giờ đồng hồ ở dưới rặng nhãn ven bờ Sông Thương ấy thật là bốn giờ sung sướng đến tuyệt phẩm, thật bốn giờ của cõi tiên đi xen vào giờ phút dưới trần.

Điệp về Hà Nội.

Rồi tiếp đến một trận ghen bóng ghen gió. Suốt một tháng trường cô ta không gửi cho Điệp một lá thư nào nữa. Điệp đau đớn khổ sở cơ hồ đến phát điên lên được. Nhưng trong lòng chàng cũng thầm sung sướng rằng cô ta quả thật đã yêu mình. Có yêu thì mới ghen, mới có cuộc cắt đường tình kịch liệt đến như vậy.

Điệp viết mười lá thư, nào là xin lỗi nào van lơn, nào giận hờn, nào cầu khẩn, mỗi lời là một tha thiết. Tha thiết đến nỗi cô ta nguội được cả lòng ghen. Nhân được cơ hội tốt, cô ta lẻn về Hà Nội tìm Điệp giữa một buổi trưa hè gắt nắng. Hồi ấy Điệp ở Mộc Hoa Trang, tại làng Hoàng Mai.

Giữa Hà Nội hôm ấy lại có bốn giờ đồng hồ của Thiên đường rơi xuống, bốn giờ đồng hồ của ái tình lẫn vào.

Cô ta về Sông Thương, Điệp tiễn chân sang đến tận Bắc Ninh rồi mới trở về Hà Nội.

Ai ngờ việc lẻn về Hà Nội với tình nhân đến tai ông bố. Ông bố nổi giận lôi đình, đánh cô ta một trận ra việc! Và xé hết quần áo, đập vỡ hết hòm xiểng của cô ta, có bao nhiêu thư từ và ảnh Điệp gửi cho cô ta, ông bố đốt nhẵn.

Từ đấy cô ta bị giam cầm như một tên tử tù, trước ngày lên máy chém. Cô ta phải nhờ người viết thư cho Điệp bảo chàng thế nào cũng phải mượn mối lên ngay Sông Thương để nói với ông bố, hỏi cô ta làm vợ.

Điệp khóc ba đêm và làm theo như lời:

Ông bố cô đã từ chối một cách quyết liệt, vì ông ta rất ghét những Quan viên nhà báo. Tuy rằng Điệp không phải là Quan viên nhà báo nhưng ông ta không chịu hiểu cho như thế, ông ta cứ nhất định bảo rằng. Thi sĩ cũng là nhà báo. Còn một lẽ chính đáng để cho ông ta từ chối nữa là nhà Điệp nghèo, Điệp không phải là nhà con quan. Như thế thì không môn đăng hộ đối.

Không nản lòng, Điệp lại mượn những người khôn khéo trong việc mối lái, và có cảm tình với ông bố ấy, lên Sông Thương hỏi nữa. Mãi mãi ông ta mới gượng gạo bằng lòng, vì ông ta ngờ rằng con gái mình đã thất trinh với Điệp trong khi lên Hà Nội. Nhưng ông ta thách lễ ăn hỏi và lễ cưới thật nặng.

Đã yêu nhau thì có quên gì! Song thi sĩ thì cố nhiên không phải là nhà triệu phú. Điệp liền lật đật đi khắp các thân bằng cố hữu ở khắp các tỉnh để tháo vát lấy số tiền về cưới vợ. Ba bốn tháng trời lăng xăng hết nơi này sang nơi khác, mà món tiền cưới vợ vẫn chẳng trù song đời bây giờ mấy ai là Mạnh Thường Quân? Mấy ai là người phóng túng, dám vui lòng cho một thằng bạn thi sĩ mượn bạc ngàn ra cưới vợ bao giờ?

Mỗi khi Điệp trở về Hà Nội để đi nơi khác xoay tiền, lại nhận được mấy cái thư của cô ta, gửi về giận dỗi trách móc, đổ cho Điệp cái tội phụ bạc. Ừ! nếu không phụ bạc cô ta, thì cớ sao ba bốn tháng trời rồi, không mang tiền lên mà cưới, hỏi?

Có lẽ trong những lúc đau khổ, những phút đợi chờ, cô ta đã quẫn cả trí thông minh, không nhớ rằng Điệp chỉ là một thi sĩ con nhà thường dân.

Điệp có than một câu:

Em tôi be bé làm thơ,

Tôi lo tiền cưới bao giờ cho xong?

Thế rồi một hôm Điệp trở về Hà Nội, nhận được một bức thư cuối cùng của cô ta, làm chàng đình sự đi xoay tiền cưới lại. Bức thư đại khái như sau:

Sông Thương le...
Điệp
Thật là hết hy vọng rồi! Nếu trong tháng tám này Điệp không lên làm lễ ăn hỏi ngay thì ông cụ sẽ cho người ta ăn hỏi. Lúc ấy thì không còn hối sao cho kịp nữa. Lúc ấy Hương sẽ đi tìm Điệp, hai ta sẽ kiếm một chỗ nào thật xa vắng, cùng tự tử cho xong đời. Điệp có bằng lòng cùng chết với Hương không? Hương thì Hương quả quyết chết lắm rồi! Sống thế này hiếu đã lỡ, mà tình cũng chẳng xong. Điệp tính Hương còn sống để làm gì!...
Hồng Hương.

Hôm Điệp xem được thư ấy, thì đã tháng chín rồi! Thôi thế là hết! Điệp yên chí rằng ông bố cô ta đã cho người khác ăn hỏi, và yên chí đợi chờ cô ta, để đi tự tử một thể.

Nhưng một tháng hai tháng rồi ba tháng cũng chẳng thấy cô ta tìm đến Điệp chàng buồn lắm! Buồn đến chết đi được! Điệp rất phân vân, không hiểu rằng công việc nó xẩy ra như thế, là mình phụ cô ta hay cô ta phụ mình?

Từ đấy Điệp liền gọi cô ta là cố nhân. Lại nghe tin rằng cô ta vẫn chưa lấy chồng nên ngờ rằng cô ta đã nói dối, cũng như cô ta đã nói rằng thế nào cũng tìm chàng để cùng đi tự tử.

Chàng thầm mong mỏi rằng cô ta đừng đi lấy chồng vội, để một ngày kia có đủ cơ hội tốt, và đủ điều kiện. Chàng sẽ lấy cô ta làm vợ. Vì quả thật, chàng vẫn yêu tha thiết cô ta như thường. Cho nên chàng rất sợ những thứ gì có thể mang đến cho chàng cái tin: Cô ta đã lấy chồng.

Nhưng đủ điều kiện và đủ cơ hội tốt đến với Điệp, thì thật là một sự khó trên sức tưởng tượng.

Cho nên từ đấy chàng bắt đầu vơ vẫn, như một thằng điên giữa Kinh thành Hà Nội.

Cái đêm mùa đông rét khiếp ấy, Điệp bước, bước một mà đi quanh Bờ Hồ, chính chàng cũng không biết mình đi như thế để làm gì. Đến chỗ có bóng sẫm của nhiều cây mù u, Điệp dừng lại lấy bao thuốc lá toan hút, chàng bực mình khi thấy bao thuốc chỉ còn là cái vỏ ngoài. Lúc ấy Điệp thấy thèm thuốc một cách lạ, tuy từ tối đến giờ chàng đã hút nhẵn một bao.

Điệp lại đi, định tâm rằng gặp ai sẽ xin một điếu.

Đến chiếc ghế xi măng về mé sở cẩm Hàng Trống thì Điệp gặp Tuấn ngồi ở đó. Lúc ấy hai người chưa quen nhau. Tuấn cũng đội mũ dạ thấp xuống tận mặt, và cũng mặc pa đờ suy kéo cao cổ lên.

Điệp tiến đến bên cất tiếng hỏi:

– Thưa ông, ông có thuốc lá làm ơn cho tôi xin một điếu.

Tuấn ngước mắt lên:

– Thưa ông tôi cũng đương định hỏi ông câu ấy. Ông có việc gì mà đi khuya thế?

Điệp trả lời tự nhiên:

– Tôi đấy à? Tôi đi để đếm xem chu vi hồ Hoàn Kiếm được bao nhiêu bước. Thế còn ông, ông ngồi làm gì ở đây?

Tuấn nhe răng cười:

– Tôi ngồi để cứ đoán xem mặt hồ Hoàn Kiếm được bao nhiêu thước vuông.

– Nếu vậy chỉ cần biết đường kính nữa thì tôi có thể trả lời giúp ông cái tính ấy.

Tuấn đáp luôn:

– Ông quên chưa đếm từ cửa đền Ngọc Sơn vào đến trong đền. Có thể cho là đường bán kính được đấy, ông ạ! Nhưng mà thôi, ông hãy ngồi xuống đây nói chuyện cho vui, ta hãy bỏ cái tính đo ấy đi. Mặt hồ hôm nay nổi sóng nhiều quá, ông nhỉ!

Điệp gật đầu ngồi xuống bên cạnh:

– Chúng ta nói chuyện từ nãy đến giờ, giá người ngoài nghe thấy tất cho là hai người điên.

– Kể tôi và ông cũng điên thật, nếu không, sao giờ này lại còn ngồi ở đây?

– Điên thì chưa chắc, nhưng buồn thì có lẽ đúng hơn.

– Chắc ông buồn vì tình duyên?

– Đúng thế. Còn ông?

– Có lẽ tôi cũng lớp tuổi ông. Cùng là tuổi trẻ cả. Mà tuổi trẻ chỉ có buồn vì tình là đáng buồn. Vậy đêm nay, tôi và ông, chúng ta sẽ kể cho nhau nghe những nỗi buồn ấy. Ông có vui lòng cho như thế không?

Điệp đáp ngay:

– Còn gì hay bằng được nói chuyện tâm sự với một người đồng bệnh nhưng giời rét này hãy đi uống rượu cái đã. Ông có uống được rượu không?

Tuấn gật đầu nhận lời.

Hai người dắt nhau đến một hiệu phở ở phố Hàng Bạc, là một hiệu bán hàng suốt sáng.

Trong lúc chờ đợi xào phở, hai người mới kịp nhớ đến việc hỏi nhau tên tuổi, nghề nghiệp. Khi biết nhau đều là thi sĩ thì hai người cùng cả cười, cho việc gặp gỡ ngẫu nhiên này là do lòng trời muốn vậy.

Mối tình đầu tiên của Tuấn là chàng yêu một người con gái thơ ngây ở Hà Nội. Xa lắm rồi! Phải! Hồi ấy đến giờ đã xa lắm rồi! Còn gì! Hồi ấy cô ta mới mười sáu tuổi, người nhỏ thon thon, mắt một mí đen láy. Cô ta có vẻ đẹp Á Đông. Tên cô ta là Khanh. Hai người ở cạnh nhà nhau, thế rồi yêu nhau.

Hồi ấy Tuấn đã nổi tiếng về thơ, cô ta cũng võ vẽ biết làm thơ, nên hai người yêu nhau càng tha thiết.

Nhà Tuấn có một giàn hoa ti-gôn trắng. Cô ta thường sang chơi hái hoa, hai người lại được dịp gần nhau.

Có một buổi chiều, hai người đứng dưới dàn hoa, Tuấn vít một giây hoa trắng xuống, rồi vuốt tóc cô ta mà thở dài bảo rằng:

– Khanh ơi! Khanh có thấy thứ hoa này dáng nó như trái tim vỡ không? Anh chỉ sợ tình của ta cũng vỡ như hoa này mất thôi.

Tuấn nói thế vì chàng nhận thấy cô ta còn thơ dại quá! Chưa hiểu đến nghĩa chữ yêu đương. Chưa thể biết thế nào là sự thiêng liêng của Ái tình. Cô ta có thể phụ bạc mình dễ lắm.

Nhưng thủa ấy nào cô ta đã hiểu gì. Hiểu sao được nỗi sinh ly tan tác như cánh hoa kia. Cho nên cười đáp:

– Mầu hoa trắng là chút lòng trong sạch, không bao giờ suy biến. Sao anh hay nghĩ lẩn thẩn thế? Em… em sẽ yêu anh trọn đời.

Nghe câu ấy Tuấn mỉm cười, không nói gì.

Bỗng một ngày, Tuấn bắt buộc phải đi, đi thật xa, đi mãi ra cái bến cát nào đó. Cô ta có tiễn chân chàng. Tuấn chỉ kịp ứa nước mắt nói với cô ta:

– Nếu em quả thật có lòng yêu thương anh thì em đợi chờ anh.

Cô ta cũng khóc sướt mướt mà đáp:

– Em sẽ yêu anh trọn đời. Thế nào em cũng đợi chờ anh.

Rồi nhà cô ta dọn về ở Thanh Giám.

Một, hai, ba năm. Cô ta đã lớn, tình dục đến lúc được cắn dứt trong lòng một cô gái dậy thì. Cô ta mới cảm thấy tất cả nỗi cô đơn chiếc bóng cua mình. Những đêm thao thức, ôm chặt lấy gối khi nghe gió lạnh rụng xuống canh tàn, những buổi có trăng, một mình thơ thẩn trong vườn để trăng rơi đầy áo. Những chiều, nắng mùa thu nhàn nhạt dần dần đi trước mành hoa, ngang trời có một con chim bay lẻ. Đơn chiếc làm sao! Những lúc ấy cô ta đã nghĩ đến việc phụ bạc người yêu hiện đương ở mãi xa xôi cái bến cát nào đó.

Có thể nghĩ đến phụ bạc thì có thể phụ bạc lắm. Cô ta đã phụ bạc.

Vào cuối mùa thu năm ấy, Gió hỡi! Làm sao lạnh rất nhiều! Cô ta đã vội vàng theo những nàng áo đỏ sang nhà khác: Cô ta đi lấy chồng. Hình như cô sợ chăn đơn gối chiếc suốt một mùa đông ấy nữa thì chịu làm sao!

Cô ta lấy làm lẽ một người ở ngoại ô Hà Nội, đã nhiều tuổi nhưng chắc là nhiều tiền.

Đến khi Tuấn được về Hà Nội là lúc cô ta đã chán chường ông chồng luống tuổi, cô ta có làm mấy bài thơ đăng báo để tỏ cho người tình cũ biết rằng trong khi nằm bên cạnh người chồng luống tuổi, cô ta vẫn nhớ thương đến chàng. Sở dĩ cô ta đi lấy chồng là vì sự bó buộc. Cô ta vẫn nhớ đến một mùa thu cũ, rất xa xôi, chàng có bảo cô ta rằng: Hoa ti-gôn dáng như tim vỡ, anh sợ tình ta cũng vỡ thôi. Và hỏi chàng rằng: Nếu biết cô ta đã lấy chồng, thì chàng có buồn không?

Thưa cô Khanh! Người tình cũ của cô buồn lắm! Khóc nhiều. Và từ đấy trở nên người thất tình. Bởi vì mối tình đầu tiên đối với chàng là sâu xa! Chàng đã đem hết cả linh hồn ra mà yêu thương cô.

Trong khi uống rượu tại hiệu phở phố Hàng Bạc, Tuấn và Điệp đã lần lần kể tâm sự cho nhau nghe trong hơi men hồng.

Dây thân ái giữa hai người từ đấy càng thêm khăng khít. Một tâm hồn thơ đến với một tâm hồn thơ thì họ hiểu nhau rất chóng và yêu nhau rất bền.

Sau đêm hôm đó, Tuấn và Điệp liền nghĩ đến sự ở chung. Hai người mới thuê căn gác phố Hàng Dầu.

Người ta không thấy bao giờ Tuấn và Điệp rời nhau, họ thân yêu nhau, quấn quít lấy nhau như đôi vợ chồng mới cưới.

(Còn tiếp)

Nhà Lưu niệm Nguyễn Bính

You May Also Like

More From Author

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *