CHƯƠNG V
Người chủ nhà dưới là ông Hai Lâm đã đứng tuổi, thích đánh cờ, hầu như nghiện cờ. Mỗi ngày ông phải đánh ít ra là hai ván cờ. Nếu không có người đánh với ông thì ông đánh một mình, vậy mà ông cũng chịu khó đánh cho đến lúc được thua. Tính ông nhũn nhặn lịch thiệp. Nhưng nghe đâu trước kia ông là một tay du côn nổi tiếng ở Hà Nội. Cứ nhìn những vết sẹo ở trán, ở má, ở hai cánh tay, người ta có thể tin được lời nói ấy. Có lẽ thực. Từ ngày giải nghệ, ông xoay ra làm thuốc viên thuốc tán. Trước chuyên đánh người, giờ chuyên cứu người. Ông có độc một người con gái, tên là cô Bích, năm ấy đã mười sáu tuổi. Nhan sắc cô có thể gọi là hoa khôi phố Hàng Dầu.
Nhân Điệp cũng biết đánh cờ, nên những lúc nhàn rỗi thường hay xuống đánh cờ với ông. Hai người ý hợp tâm đầu lắm.
Điệp thấy Bích là người có nhan sắc nên đem lòng yêu. Ông Hai Lâm cũng có ý muốn gả Bích cho Điệp.
Bỗng một hôm Điệp nghe thấy Bích nói chuyện với một người bạn gái, trong câu chuyện Bích có chen vào một câu:
– Lựa lắm! Không chê được!
Thế là từ đấy, Điệp ghét Bích lạ lùng. Chàng đoạn tuyệt với Bích và không hay xuống dưới nhà nữa.
Một hôm chàng bảo Tuấn:
– Anh có biết một người con gái nào câm không?
Tuấn ngơ ngác trả lời:
– Không. Anh hỏi để làm gì?
– Tưởng anh có biết, anh làm mối cho tôi một người.
Tuấn bật cười:
– Anh này điên chắc! Sao lại nẩy ra cái ý tưởng lấy người câm?
Điệp ngao ngán:
– Người câm thì không nói được những câu tân thời chẳng hạn như câu: Lựa lắm! Không chê được! Anh thử nghĩ một người con gái mở miệng nói ra được những câu ấy hỏi tâm hồn họ cỏ rác đến thế nào?
Sáng hôm đó, hai người vừa dậy thì tên đầy tớ dưới nhà đưa lên cho hai người quà sáng, kèm thêm một tấm thiếp hồng.
Tuấn cầm lấy tấm thiếp xem, vôi vàng bảo Điệp:
– Này Điệp ạ! Bích đi lấy chồng.
Điệp thản nhiên trả lời:
– Thì đã sao.
– Ông Hai Lâm mời hai chúng mình chiều nay ăn cỗ.
Điệp chặc lưỡi:
– Cũng hay.
Tuy Điệp nói thế nhưng trong lòng chàng thấy tê tái chán nan một cách lạ. Không phải chàng buồn vì nghe tin Bích đi lấy chồng, chàng buồn vì cảm thấy đời mình khô khan quá, đơn chiếc quá! Chàng không yêu được người nào nữa rồi. Chàng mơ ước một người con gái hoàn toàn, mà ở đời nay còn cái gì có thể gọi hoàn toàn? Những người con gái quen chàng, hay không quen chàng, ở gần hay ở xa, rồi sẽ đi lấy chồng, sẽ sống êm ấm vui vẻ trong một gia đình. Còn chàng, chàng sẽ cứ như thế này mãi? Cứ sống mãi trong cái héo úa của tâm hồn sao?
Hình ảnh lờ mờ của Vương Thị Hoàng Lan lại hiện lên trong óc chàng. Có lẽ cái người con gái chết năm mười bẩy tuổi, 14 tháng trọng đông năm Mậu Dần ấy mới là một người con gái hoàn toàn?
Điệp hỏi Tuấn:
– Nay là thứ mấy nhỉ?
Tuấn đáp:
– Thứ năm.
Điệp lẩm bẩm.
– Còn hai ngày nữa.
Tuấn mỉm cười:
– Còn hai ngày nữa là đến sáng chủ nhật phải không?
– Ừ… Sáng chủ nhật đi thăm mộ Vương Thị Hoàng Lan.
– À! Này Điệp ạ! Hôm ấy ta đừng mua hoa ti-gôn nữa, ta ngắt ở cây trước cửa này một gói hoa hoàng lan.
– Ừ! Phải đấy! Đi viếng mộ Hoàng Lan bằng hoa hoàng lan, kể cũng là một ý kiến hay.
– Không biết ở dưới suối vàng Hoàng Lan có mong đến ngày chủ nhật không nhỉ? Mong đến ngày chủ nhật để có hai nhà thi sĩ trẻ tuổi đến đặt lên mộ mình một ít hoa hoàng lan?
Điệp đáp luôn:
– Sao lại không? Tôi cảm thấy Hoàng Lan thiêng lắm.
– Mà phải, những người chết trẻ bao giờ cũng thiêng.
Điệp hỏi:
– Biết đâu ở dưới suối vàng, Hoàng Lan đã yêu một người con trai khác?
Tuấn vội vàng để tay lên miệng Điệp:
– Suỵt! Im! Tuấn cấm Điệp được nói nhảm như thế! Hoàng Lan bao giờ cũng trinh trắng nhất, cũng xinh đẹp nhất…
Điệp tiếp thêm:
– Và cũng đáng yêu nhất.
Chiều hôm ấy, hai người uống rượu đám cưới Bích. Trong men nồng, trong khói pháo, hai người trông các cô phù dâu không cô nào có nhan sắc bằng Hoàng Lan cả.
(Còn tiếp)