Categories
Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội

CHƯƠNG VIII – Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội

CHƯƠNG VIII

Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội
Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội

Tuấn và Điệp chăm chỉ ngồi viết bài. Trên bàn, bừa bộn những sách vở giấy má và một chiếc đĩa thủy tinh đầy ụ tàn thuốc lá.

Ngoài trời, nắng mùa đông bừng lên, tươi vui ấm áp như một nguồn hy vọng mới. Cây hoàng lan ngoài cửa sổ không ủ rũ nữa, những lá xanh sáng hẳn lên.

Tuấn bưng bát xuống bàn hỏi Điệp:

– Mày viết sắp xong chưa?

Điệp vẫn cắm cúi viết:

– Sắp xong.

– Cổ nhân nói Đông nhật khả ái mặt giời mùa đông đáng yêu. Thật là đúng. Viết xong, ăn cơm, rồi chúng mình phải đi chơi mới được. Nắng này mà đi chơi, có lẽ không gì sướng bằng.

Đã ba hôm nay, hai chàng quả quyết làm việc, không chơi bời nữa. Và cũng đã ba hôm nay, hai chàng thiêt lập bài vị Hoàng Lan ở nhà để thờ. Trên chiếc kỷ gụ, để một chiếc bát cổ làm bát hương. Và một chiếc khung ảnh nhỏ, trong lồng mảnh giấy đỏ có mấy giòng chữ nhỏ: Vương Thị Hoàng Lan tự Trinh thục linh vị, mệnh chung thập tứ nhật trọng đông mậu dần, Thọ thập thất tuế.

Hai chàng cũng bắt chước chàng thư sinh Tú Uyên ngày xưa, mỗi bữa cơm thắp lên ba nén hương, để thừa một chiếc bát một đôi đũa, rồi khấn Hoàng Lan về ăn chung.

Càng ngày Tuấn và Điệp càng nhận thấy mình yêu Hoàng Lan thắm thiết hơn lên. Hai người đều tin là Hoàng Lan đã công nhận tấm ái tình ấy, nên rất bình tĩnh yêu nàng như yêu một người sống hẳn hoi.

Bởi Tuấn và Điệp chỉ cần có một người đê mà gửi lòng yêu, như con chim chỉ cần có một cái tổ. Hai người vui lòng cho đi mà không lấy lại một thứ gì ở ái tình, nhưng cái ái tình ấy phải là ái tình hoàn toàn. Sự hoàn toàn không thể tìm thấy ở một người con gái sông, nên hai người yêu một người con gái chết.

Ăn cơm xong, Tuấn và Điệp mặc quần áo đi chơi.

Đường phố thấy đông hẳn lên hơn mọi ngày, nắng ấm ràn rụa khắp mọi chỗ, từ mái tóc đến kẽ ngón tay của các cô thiếu nữ đào tơ.

Điệp chỉ các cô thiếu nữ đi ngang qua, bảo Tuấn:

– Kể trông họ thật là nõn nà.

Tuấn đáp:

– Nhưng nếu biết trong lòng họ nghĩ những gì.

– Bởi vậy trong lòng họ chỉ thèm muốn thôi chứ không yêu đương được nữa.

Tuấn nhớ lại một câu chuyện ngày xưa, nên kể cho Điệp nghe:

– Mùa hè năm nay, tôi ở Cao Bằng về đến Hà Nội. Tôi thấy từng đàn thiếu nữ, đi ngang nhiên ở giữa đường với con giai, vừa cầm kem ăn nhồm nhoàm vừa cười nói ngặt nghẽo. Trông cái dang điệu ấy thật là khả ố, ai mà chịu được! Tôi có làm được bốn câu thơ:

Anh hiểu làm sao được, hỡi em!

Những nàng con gái thích ăn kem.

Nhổ ngay bòn bọt khinh ra mặt.

Những cái đầu bù của thiếu niên.

Hai người đi đến phố Hàng Bông, chợt nghe có tiếng người gọi bên kia đường:

– Anh Tuấn! Anh Điệp!

Hai người trông sang, nhận ra người gọi đó là Quang. Quang có gia đình êm ấm ở Hà Nội, nhưng lại thích đi giang hồ. Giang hồ đây chỉ có nghĩa là đi liêu biêu, nay đây mai đó để được làm thơ nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ tình nhân và nhớ hết mọi người; thân hình anh to lớn như voi, nhưng tính khí lại như đàn bà, rất hay khóc. Có người đã nói đùa rằng trong thân thể anh chỉ chứa toàn nước mắt mà thôi. Đừng có ai đụng đến tâm sự anh, anh sẽ khóc cho mà coi, tuy rằng cái tâm sự ấy không có gì là đáng khóc.

Quang chạy sang bên này đường, bắt tay Tuấn và Điệp và nói:

– Tôi vừa mới ở Hatou về, hai anh đi đâu bây giờ?

Tuấn đáp:

– Chúng tôi cũng không biết đi đâu bây giờ. Thế bao giờ anh lại đi giang hồ?

Quang không để ý đến giọng chế nhạo của Tuấn, thản nhiên đáp:

– Ngày kia, ngày kia tôi lại lên đường nhưng không ra Hatou nữa, mà đi một nơi khác. Ở Hatou vài tháng đã thấy chán lắm rồi!

– Thế giờ anh đi đâu?

– Tôi định đi tìm các anh đây! Lâu nay các anh có chuyện gì lạ không?

Điệp đáp ngay:

– Có một chuyện rất lạ. Nhưng Quang có tiền khao một chầu cà phê rồi chúng tôi kể cho mà nghe. Hiện giờ đương cần một cốc cà phê nóng.

Quang nhận lời. Ba người dắt nhau vào một tiệm cao lâu ở Hàng Bông.

Trong khi ngồi đợi cho từng giọt cà phê rỏ trễ nãi xuống cốc. Điệp bắt đầu hỏi Quang.

– Anh trông thấy con gái bây giờ, anh có yêu không?

Quang trả lời luôn:

– Có.

– Vì sao anh yêu họ?

– Bởi vì họ đẹp.

– Chỉ có đẹp không mà anh cũng có thể yêu được?

– Thì giai tài gái sắc mà lại.

Điệp cười:

– Tôi nhận thấy rằng người con gái cứ nguyên sắc đẹp chưa đủ chinh phục được tình yêu của những hạng người như chúng tôi. Bọn con gái bây giờ, ngày đêm họ chỉ cố công tô điểm cái nhan sắc bề ngoài của họ. Họ chọn thứ son tô môi nào cho khiêu gợi, thứ phấn nào cho ăn với mầu da, thứ nước hoa nào cho thật quyến rũ; họ tưởng như thế là đã đủ điều kiện làm xiêu lòng đàn ông rồi. Họ biết đâu rằng có một hạng đàn ông lại không ưa cái sắc đẹp bề ngoai, nếu cái sắc đẹp ấy không chứa đựng bên trong một linh hồn cao quý trinh khiết.

Điệp ngừng lại, quấy đường vào cốc Cà phê, uống một hơi, rồi nói tiếp cho Quang nghe:

– Chúng tôi đã trải qua nhiều đau khổ về tình duyên rồi, nhưng chúng tôi chưa thấy chán nản với tình yêu, chúng tôi vẫn thấy cần phải có một tình yêu khuyến khích hộ vệ mình trên con đường đời dài và tẻ này, để mình tới sự nghiệp. Vậy mà tìm đâu cho thấy người tri kỷ? Tìm đâu cho thấy người như ý muốn của mình? Bọn con gái bây giờ họ khao khát thèm muốn rất tầm thường. Họ làm cho mình tức bực khinh bỉ hơn là yêu đương. Chung quy họ chỉ làm khổ mình. Thành ra yêu họ là chuốc lấy tai nạn, chuốc lấy một chén thuốc độc cho đời mình. Vậy nên anh Quang ạ! Hai tuần lễ nay, chúng tôi hết sức yêu một người con gái chết đã ba năm nay.

Quang ngơ ngác trợn tròn mắt lên có ý hỏi sao lại có sự lạ ấy.

Điệp liền bảo:

– Muốn biết thế nào, cứ hỏi anh Tuấn. Anh Tuấn sẽ thay tôi kể cho anh nghe.

Tuấn từ ban nãy đến giờ vẫn ngồi im lặng, lúc đó mới kể cho Quang nghe câu chuyện hai người với nấm mộ Vương Thị Hoàng Lan.

Nghe xong Quang phá ra cười:

– Trời ơi! Không thể tưởng tượng được! Các anh thật là hai người điên giữa kinh thành Hà Nội.

Điệp nghiêm trang nói:

– Nghe chuyện ấy mà anh có thể cười được à? Tôi tưởng anh phải khóc mới phải chớ.

Xưa nay anh vẫn có tiếng là mau nước mắt lắm cơ mà! Thì ra anh chỉ có thể khóc được những cảnh không đáng khóc. Còn những cảnh đáng khóc mười mươi, anh lại cười. Anh Quang ạ! Còn gì đáng khóc cho bằng ở giữa Kinh thành Hà Nội hoa lệ này, con gái đẹp nhiều như rươi, mà có hai thằng con giai, hai thằng thi sĩ vẫn được người đời ca tụng, phải đi yêu một cái mả lạnh!

Tuấn lẩn thẩn lấy ngón tay trỏ chấm vào những giọt cà phê rót ra bàn, viết thành một câu thơ lục bát:

Chúng tôi còn ở trần gian,

Thì còn yêu mến Hoàng Lan vô cùng.

(Còn tiếp)

Nguyễn Bính

Nhà Lưu niệm Nguyễn Bính

You May Also Like

More From Author

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *