III – Hai người điên… (tiểu thuyết) | Văn xuôi
Sáng hôm sau, cũng mưa gió nhưng chỉ mưa gió xoàng thôi, đó là cái rớt lại của trận mưa gió hôm trước. Cây hoàng lan trước cửa nhà Tuấn và Điệp không vật vã nữa, đứng im, coi bộ mệt nhọc lắm.
Mới sáng ra, thi sĩ Trần đã lại thăm Tuấn và Điệp. Trần không quên dắt con chó bông trắng yêu quý của chàng đi theo. Đến cửa chàng đã cười vang lên mà nói:
– Có cố nhân lại thăm.
Lúc ấy Tuấn và Điệp đương nằm trên giường, vội vùng chăn ngồi dậy, đưa tay bắt tay Trần. Trần nói ngay:
– Pha chè tầu và mua bánh đậu thết khách đi chớ! Khách sẽ đọc cho nghe một bài thơ vừa mới làm.
Trần cười nhe bộ răng trắng, như một cái chớp nhoáng.
Tuấn cũng cười:
– Tưởng khách muốn gì, chứ chè tầu và bánh đậu thì tệ chủ có sẵn lắm, mời khách hãy ngồi chơi.
Tuấn đứng lên gọi thằng nhỏ bảo đun nước sôi, rồi chàng đi sắp ấm chén.
Điệp vẫn không muốn rời cái chăn bông, nên lại nằm xuống, nói với Trần:
– Cố nhân tha thứ cho nhé! Tiểu đệ thật chưa muốn dậy một tý nào. Thử nằm tiếp khách một bữa xem có lý thú không nào?
Giữa lúc ấy có thân hình lực lưỡng bước vào. Mọi người quay nhìn thì nhận đó là Quang, anh chàng hay khóc và thích giang hồ. Quang quẳng chiếc áo mưa xuống giường rồi nói:
– Tôi vừa mới ở Hưng Yên về.
Điệp bật cười hỏi:
– Ở Hưng Yên được bao lâu? Khóc được mấy chục lần? Và rồi lại đi đâu?
Trần nói:
– Đi đến chỗ chết. Loài người ai mà chả đi đến chỗ chết.
Quang không hề lấy những câu nói đùa ấy làm ngượng, đứng đắn nói:
– Chiều mai có lẽ tôi đi Vinh.
Tuấn cười nói sang chuyện khác.
– Có hôm thì buồn như chấu cắn, mong mòn mắt chả có ông bạn nào đến chơi. Hôm nay thì hai cố nhân cùng chạm trán nhau một lúc. Giời đến là oái oăm!
Điệp hỏi Trần và Quang:
– Thế nào? Hai ông cố nhân có cho các tiểu đệ đi ăn chả cá và uống cà phê không đấy!
Trần đáp ngay:
– Chả cá à? Xin vui lòng.
Quang cũng đáp:
– Còn cà phê nữa cũng xin vui lòng.
Điệp nói:
– Tiểu đệ này xin đa tạ trước.
Quang chợt nhìn thấy chiếc kỷ thờ Hoàng Lan liền tò mò lại xem. Quang cũng biết ít nhiều chữ nho, nên hiểu được những chữ trong lòng bài vị. Đọc xong chàng lắc đầu và chặc lưỡi.
– Các bố dở hơi vừa vừa chứ không thì không ai chịu được. Ai đời lại đi yêu một người chết bao giờ!
Tuấn thản nhiên trả lời:
– Vậy mà chúng tôi chịu được. Anh lấy làm lạ lắm sao?
– Kể cũng lạ thực. Vì tôi chẳng thấy ai như thế bao giờ.
– Ở đời mỗi người một ý thích anh ạ! Chúng tôi thích yêu một người chết cũng như anh thích khóc và thích đi giang hồ; Cũng như anh Trần thích con chó bông của anh ta, và thích mặc quần áo mùa nực trong buổi mưa phùn gió bấc; cũng như ông chủ ở dưới nhà chúng tôi thích đánh cờ; Còn hơn là cái thích của các cô gái tân thời thích lấy chồng làm quan, làm viên chức nhà nước, đi tây về, hoặc có nhà lầu xe hơi; Và các ông bố thích con gái mình nên bà nọ, bà kia… không cần gì dư luận.
Trần cười:
– Cũng như chúng mình thích uống rượu với chả cá và uống cà phê. Phải không anh Tuấn?
Tuấn cười theo:
– Ấy đấy. Anh Quang ạ! Vả lại ở đời mỗi người cần phải có một mục đích mà theo đuổi. Đấy chính là lẽ sống cho loài người. Chúng tôi không có tình yêu thì chúng tôi lấy làm đau khổ lắm. Nhưng chúng tôi không thể yêu được người sống, chúng tôi phải yêu người chết vậy, chứ sao?
Quang nói:
– Nhưng tình yêu của các anh chỉ đến chỗ tắc tị.
– Ồ! Tôi có cầu mong gì hơn nữa đâu. Tôi đứng lại mà yêu kia mà. Chúng tôi muốn yêu như thế, chúng tôi được yêu như thế, là chúng tôi sung sướng rồi. Cũng như nhà bác sĩ kia muốn được khảo cứu về loài cóc, khi được ơ suốt đời trong một căn phòng với cóc, thế là ông ta mãn nguyện rồi, dù ông ta không phát minh ra được điều gì có lợi cho khoa động vật học; hoặc sự phát minh ấy không có lợi gì cho ai.
Quang vò đầu:
– Anh triết lý nhiều qua!
Tuấn nói luôn:
– Tôi chỉ triết lý khi nào cần phải triết lý, ví dụ gặp một người như anh chẳng hạn.
Trần bảo Tuấn:
– Kìa! Thế nào đấy? Chủ nhân! Mãi biện thuyết đến nỗi quên cả pha nước mời khách à? Chóng lên rồi chúng mình còn kéo nhau đi làm một chầu chả cá chứ!
Điệp tung chăn dậy, nói với Trần:
– Phải đấy! Từ nẫy đến giờ tiểu đệ chỉ đợi cho tiên sinh nói câu ấy là dậy mặc quần áo liền.
Tuấn nói với mọi người:
– Tôi tin rằng cuộc tình duyên với người chết này đã đem được hạnh phúc cho chúng tôi, và sẽ đem nhiều sự mới lạ đến nữa.
Quang chưa chịu thua, nên lại bám lấy câu nói của Tuấn mà hỏi:
– Chết là hết. Còn có cái gì đưa đến cho các anh sự mới lạ nữa nhỉ?
Tuấn bực dọc:
– Ồ! Anh nhầm. Anh bảo chết là hết thì anh nhầm. Người chết còn có một linh hồn. Chúng tôi yêu tấm linh hồn đó.
Quang mỉm cười:
– Yêu một tấm linh hồn! Kỳ dị quá! Mà chắc gì linh hồn người ấy đã trong sạch! Đáng để các anh yêu.
Tuấn nghiêm sắc mặt:
– Tôi cấm anh được nói câu ấy trước mặt chúng tôi. Như thế là anh đã phạm vào cái thiêng liêng bất khả xâm phạm của chúng tôi. Không! Không bao giờ! Hoàng Lan là người trong trắng nhất, nên linh hồn nàng cũng trong trắng nhất. Đã có người làm chứng cho chúng tôi.
Quang sợ Tuấn cáu nên im không nói gì nữa, trong khi ấy, Trần ngâm vang lên bốn câu thơ chữ nho:
Nhật trường tự tuế nhàn phương giác, ()
Sự đại như thiên túy diệc hưu ()
Ngày dài như năm, nhàn mới biết,
Việc to như trời, say cũng thôi (thơ cổ)
(Còn tiếp)