Chương cuối – Hai người điên… | Văn xuôi
II
Sáng hôm sau Hoàng Diệp đưa vào cho Điệp một chiếc áo len mà bảo:
– Anh Điệp! Anh thử mặc chiếc áo len này xem có vừa không? Chiếc áo của chị Lan em ngày trước đấy.
Nghe đến tiếng Lan Điệp bỗng thấy ghê sợ và khó chịu, nhưng chàng cũng ngồi dậy, mỉm cười gượng gạo, đỡ lấy chiếc áo.
– Mầu lá mạ đẹp đấy chứ, anh Điệp nhỉ!
Điệp gật đầu.
Hoàng Diệp bỗng chăm chú nhìn vào mặt Điệp, rôi ngạc nhiên nàng hỏi:
– Ô kìa! Anh Điệp! Sao trông anh hôm nay phờ phạc thế! Mắt đỏ lên, anh khóc đó?
Điệp phải nói dối:
– Không. Việc gì mà khóc. Đêm qua không hiểu tại sao, mãi không ngủ được.
Nhìn lại đống tàn thư đêm qua, dải bừa bãi trên thềm nhà, Điệp thấy lòng mình giá buốt và chua xót quá chừng!
Hoàng Diệp lại giục.
– Kìa! Anh mặc áo vào, xem có vừa không? Anh nghĩ gì thế?
Điệp vừa xỏ tay vào áo vừa đáp:
– Tôi chả nghĩ gì cả. À! Nhưng mà có tôi nghĩ… tôi nghĩ đến Hoàng Lan.
Nói đến tiếng Hoàng Lan, giọng Điệp bỗng thấp hẳn xuống và nghẹn ngào.
Chiếc áo chật quá, không cài được khuy, Điệp lại cởi ra đưa giả Hoàng Diệp:
– Người Hoàng Lan nhỏ quá! Tôi mặc sao vừa.
Hoàng Diệp nói luôn:
– Thế có lẽ anh Tuấn mặc vừa, người anh ấy nhỏ nhắn hơn anh. Còn anh, để em đan cho chiếc khác nhé! Dạo này rét xô xát đấy! Anh thích màu gì nào?
Điệp chán nản đáp:
– Anh thích mầu vàng.
Hoàng Diệp ngây thơ nói:
– Mầu vàng có ý nghĩa không tốt, anh ạ! Thôi để em lại mua thứ len mầu lá mạ như chiếc áo này. Anh bằng lòng chứ.
Điệp lơ đãng gật đầu, vì chàng vừa nghĩ đến mỗi năm gần đây, mỗi lần trời trở rét là chàng buồn vì không có người đan tặng áo len. Vậy mà sao bây giờ chàng lại khổ sở đau đớn khi Hoàng Diệp hẹn đan áo cho chàng? Điệp nhớ có một lần vào đầu mùa lạnh năm nay chàng đã ngỏ ý không được ai tặng áo len cho Tuấn nghe. Tuấn có nói:
– Lâu lắm rồi, tao rất ghét mặc áo len đan vì áo len nào cũng do bàn tay đàn bà con gái đan ra cả.
Điệp tự nhiên thấy ghê sợ Hoàng Lan vô cùng ghê sợ cả Hoàng Diệp nữa. Ghê như trước đây chàng đã ghê sợ tất cả đàn bà. Chàng lại thù giận Hoàng Lan là khác nữa, tuy không biết rằng nàng có đáng thù giận hay không, nhưng Điệp coi như nàng đã phụ bạc đã làm hại cả cuộc đời Tuấn và chàng.
Thật ra thì Hoàng Lan không đáng để chàng phải thù giận như vậy, vì Hoàng Lan không có tội gì với chàng. Trước khi chết nàng vẫn sống, nàng vẫn là cô gái mười bẩy tuổi, nàng có thể yêu nhảm nhí được như tất cả cô gái mười bẩy tuổi đương yêu. Nghĩa là nang vẫn là một người thường.
Mà Tuấn và Điệp thì là những người điên, nhất định đi tìm cái hoàn toàn, cái vĩnh viễn ở tình yêu. Nhưng ở giữa thời đại xô bồ và tạm bợ này tìm đâu ra cái thứ tình yêu hoàn toàn, vĩnh viễn?
Hai người đã thi vị hóa một nấm mộ, thi vị hóa một linh hồn, để tự cấy vào lòng mình cái tin tưởng rằng tấm linh hồn có cái tên khắc vào chiếc bia trồng trên mộ ấy là trong sạch hoàn toàn, có thể yêu thương đời đời. Vậy mà cũng không xong.
Thấy tiếng nói của Hoàng Diệp ở nhà ngoài, Điệp mới biết là nàng đã ra khỏi phòng tự lúc nào. Chàng nhìn quanh phòng, sợ hãi lo lắng như con thú dữ nhìn cái cũi sắt đương nhốt nó. Cái phòng bây giờ chỉ là một cái nhà giam, hơn nữa một cái nhà mồ, mà chàng là một kẻ đương bị chôn sống.
Điệp cắn chặt hai hàm răng vào nhau, nước mắt ứa ra, và rít lên:
– Giời ơi! Đến thế này thì tôi còn sống làm sao được? Hở giời!
Chàng buôn lắm!
Hai hôm sao Tuấn mới ở nhà quê lên. Chợt trông thấy bạn, Điệp suýt khóc. Chàng phân vân không biết có nên nói cho Tuấn câu chuyện ấy không? Khi thấy Tuấn vẫn kính cẩn thắp ba nén hương trước bài vị Hoàng Lan. Tấm bài vị mà từ đêm ấy Điệp không thấy cái gì là thiêng liêng nữa, bởi vì thiêng liêng đã chết ở lòng chàng.
Lúc ấy vào buổi chiều.
Điệp bảo Tuấn:
– Chiều nay đừng ăn cơm nhà nữa, chúng ta đi chơi.
Tuấn vô tình hỏi:
– Đi chơi không, hay có chuyện gì?
Điệp đáp tránh đi.
– Uống rượu. Đi uống rượu. Đã lâu nay mình không được hưởng cái thú say sưa trong tửu quán.
– Để rồi làm gì?
– Để làm gì thì làm.
Hai người đi bộ đến ngã tư Trung Hiền vừa kịp chuyến xe điện lên Hà Nội.
Trên xe điện, Điệp bỗng gặp Dung, người cô đầu ở Khâm Thiên, nhân tình chàng khi trước, Điệp hỏi.
– Dung vẫn ở đấy chứ?
Dung đáp:
– Vâng, đã lâu lắm không thấy các anh xuống chơi? Chắc anh Điệp lại có người… rồi chứ gì?
Đến chợ Hôm, Dung chào hai người, bước xuống, Điệp nắm chặt lấy cổ tay nàng như người cầu cứu:
– Không chừng tối nay các anh đến hát nhà em.
Lên đến Bờ Hồ, hai người xuống xe, đi loanh quanh mãi rồi mới đến một hiệu cao lâu ở Hàng Buồm, lên từng lần ba, vào buồng riêng, gọi lấy rượu và thứ nhắm.
Trong bữa rượu, Tuấn toàn nói chuyện yêu đương Hoàng Lan. Điệp rất khổ tâm về chỗ đó, chàng nghĩ mãi, không biết có nên nói cho Tuấn rõ câu chuyện kia không? Chàng vẫn phải chiều bạn mà nói những câu yêu đương dối với lòng mình.
Nói rõ thì nguy hiểm quá! Có ai đang tâm đi cắt đứt mầm tin tưởng cuối cùng của một người bạn thiết bao giờ? Điệp cho đó là một tôi ác. Nhưng không nói ra, có khác gì bạn đương chết đuối dưới sông mà chàng khoanh tay đứng trên bờ, không cứu. Chàng nghĩ tội nghiệp cho Tuấn lắm! Tuấn giờ như một người thông minh, lại tưởng đôi mắt mình là trong sáng nhất, chống gậy lần đi trên con đường xuống âm phủ mà bảo lối đó là lối lên thiên đường. Tuấn đương bị người ta lừa đảo. Không. Chàng phải nói… chàng tất phải nói… chàng không thể để yên thế được! chàng phải nói, phải nói…
– Tuấn ơi! Điệp có một câu chuyện quan hệ muốn nói với Tuấn.
Tuấn bỗng thất sắc đi, trợn mắt hỏi:
– Chuyện gì? Chuyện gì? Biết mà? Từ chiều đến giờ tôi thấy tính tình Điệp khác thường lắm. Chuyện gì thế hở Điệp?
Điệp bị hỏi dồn dập, nên lúng túng như người bị nghẽn vào ngõ cụt, chàng lại thành ra do dự, không biết có nên nói hay không?
Thấy Điệp mãi không nói. Tuấn lấy làm lạ, chàng dằn mạnh chén rượu xuống bàn tha thiết:
– Điệp ơi! Điệp có điều gì phải dấu Tuấn. Thế Điệp không còn cho Tuấn là người bạn thân nhất đời của Điệp nữa sao?
Điệp cảm động, không dám nhìn thẳng vào mặt Tuấn. Chàng uống một hơi hết chén rượu và thấy lòng nao lên, cộn lên, dâng lên, ứ lên một niềm đau đớn vô biên… Người bạn thân nhất đời của chàng. Vậy thì làm thế nào bây giờ? Nói? Hay không nói? Nói ra cũng khổ mà không nói ra cũng khổ.
– Tuấn….
Lúc ấy Điệp đã say, lại xúc động mạnh quá, chàng chỉ kịp gọi Tuấn rồi gục xuống bàn khóc nức lên, mỗi lúc tiếng nức nở một to.
Điệp nhận thấy tất cả những thê lương của cuộc đời chàng từ nay mà đi. Thôi! Còn gì nữa? Chẳng còn gì nữa. Một tâm hồn cô quạnh trải qua thời kỳ đầm ấm, lại càng thấy cô quạnh thêm lên.
Lòng hoang mang, Điệp ghê sợ cả nghĩ ngợi, chàng không dám nghĩ gì thêm nữa. Trước mắt chàng hiện ra một bầu không khí vàng khè. Trong đó, bày một chiếc khay đèn thuốc phiện, ngọn đèn dầu lạc tỏ quá, phao đèn đầy ăm ắp những dầu nằm ngoan ngoãn. Bên cạnh đèn là một hộp thuốc phiện còn đầy, chung quanh khay rất nhiều con gái nằm quây quần. Điệp nhận thấy nét mặt họ quen quen. À! Thôi phải rồi! những cô gái giang hồ mà chàng đã ôm ấp hồi trước, một đêm hay nhiều đêm. Điệp thấy cả Điệp ở trong bọn đó. Chàng đương nằm trong chăn bông ấm, hai tay xiết chặt Dung, người tình nhân…
Cái cảnh ấy, chàng thấy thèm khát lắm. Tuân lại sát cạnh chàng, cúi xuống thân mật hỏi bằng một giọng đầy thương hại.
– Sao Điệp khóc? Điệp nói đi! nói cho Tuấn biết với! Sao Điệp khóc? Hay Điệp muốn gì?
Điệp muốn trả lời ngay rằng chàng muốn đi hát, đi hút…
Song Tuấn chỉ thấy chàng vẫn không ngửng mặt lên, vẫn nức nở, và lắc đầu.
Tự nhiên Tuấn cũng lắc đầu theo và thở dài.
Bên ngoài giời bỗng rào rào đổ mưa to, ào ào nổi gió lớn.
Lại rét….
Viết xong tại Khâm Thiên Các
Ngày mồng 9, tháng chín, năm Canh Thìn….
NGUYỄN BÍNH