Categories
Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội

CHƯƠNG BA – Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội

CHƯƠNG BA – Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội

Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội

I

Trời vẫn rét, bởi vẫn còn là mùa đông.

Đêm đã khuya, mà Điệp thao thức mãi không ngủ được, không biết tại chàng uống nhiều nước chè tàu buổi tối, hay tại chàng không quen nằm một mình? Vì Tuấn có việc riêng phải về quê nhà từ sáng sớm.

Gian buồng Điệp thấy rộng thênh thang và vàng vọt bởi ánh sáng của ngọn nến trắng chập chờn. Mấy bông hồng nhung héo gục xuống miệng chiếc bình sứ. Điệp chợt nhớ ra rằng sáng nay mình mải đi tiễn chân Tuấn ra tầu, quên chửa kịp thay hoa.

Xa xa có tiếng pháo nổ. Chàng lẩm bẩm:

– Chắc lại cưới xin gì? Nhưng cưới xin gì mà khuya thế?…

Điệp trở dậy, thắp tuần hương thứ hai và cắm vào chiếc bát hương trước bài vị Hoàng Lan. Đó là chiếc bát hương bài vị từ ngày còn ở căn gác phố Hàng Dầu. Tuấn và Điệp đã mang nó về trại, đặt ở trong phong để sớm tối “phần hương”.

Tự nhiên Điệp lấy chiếc đàn Tì bà treo trên tường xuống, nẩy mấy tiếng, tuy chàng không biết đánh.

Tiếng đàn vang âm lên một cách đột ngột khiến chàng rùng mình ghê sợ. Muốn cho không khí trong gian buồng khỏi rơi vội vào Vô tịch, Điệp gẩy thêm mấy tiếng nữa thì một giây đàn bỗng đứt làm đôi, có lẽ tại đàn để lâu ngày quá.

Điệp chợt thấy một cảm giác rùng rợn thấm sâu vào tận đáy lòng. Chàng buồn rầu treo đàn vào chỗ cũ, tắt nến đi nằm.

Bên ngoài, từng cơn gió từ đâu đổ về ào ào. Điệp nghe rõ cả những tiếng lá mía của một bụi mía sau nhà cọ sát vào nhau, nhanh và sắc cùng những tiếng lá khô rơi rụng vào tường gạch hoặc lăn vội vàng trên đá sỏi ngoài vườn.

Điệp đã nhắm mắt lại lâu lắm, mình bảo với mình rằng: ngủ đi. Nhưng nào có được! Chàng vẫn không thấy buồn ngủ tí nào. Bực mình, chàng lại dậy đánh diêm châm vào nến, kẻo mở mắt ra, cái bóng tối ngòm đen kịt nó làm chàng khó chịu.

Không biết làm gì cho qua thì giờ, chàng cầm lấy chiếc gối, chăm chú xem những đường chỉ xanh đỏ trên mặt gối thêu một con bướm rất to. Hoàng Diệp có bảo rằng con bướm ấy là do Hoàng Lan thêu. Điệp nhận thấy sự khéo léo của Hoàng Lan ở những đường thêu bay bướm. Say sưa chàng đưa lên miệng mà hôn vào giữa con bướm. Tự nhiên chàng nghĩ đến tên chàng, Điệp nghĩa là bướm. Chàng lấy làm lạ rằng tại sao lại có sự ngẫu nhiên ấy được! Sao Hoàng Lan lại thêu bướm vào gối? Sao Hoàng Lan lại biết trước mà thêu chăng? Chả nhẽ muôn sự ở đời này lại do tiền định cả?

Nhưng không cần nghĩ ngợi gì nữa cho thêm phiền. Giờ đây, con bướm thêu trên gối kia đủ làm cho Điệp thấy lòng yêu Hoàng Lan sôi nổi đằm thắm hơn lên.

Chàng lại ghé môi hôn vào giữa con bướm một chiếc thứ hai. Và mân mê chiếc gối mãi không rời.

Chợt chàng nhận thấy ở mép gối có một đường sổ ra, để lộ một mẩu giấy mầu xanh.

Điệp tẩn mẩn tháo đường chỉ, chàng rút ra được một tập giấy. Hình như là một tập thư, trong đó có lẫn cả ảnh.

Chàng hấp tấp mang lại bàn cho gần ánh nến để xem. Những bức ảnh chụp những người con trai, đằng sau có chữ đề tặng, đại khái như: Tặng em Hoàng Lan yêu quý nhất đời của anh.

Da mặt Điệp bỗng tái nhợt đi trong ánh nến, chàng ứa nước mắt mà mở từng lá thư ra xem. Xem được mấy chiếc thì chàng gục xuống bàn khóc nức nở.

Đó là những bức thư và ảnh của những người tình nhân Hoàng Lan gửi cho nàng. Nàng đã khôn khéo giấu vào trong ruột gối khâu lại để người nhà khỏi bắt được.

Phút này Điệp cay đắng không thể tả được, chàng khóc lâu lắm, và tự nghĩ:

– Thì ra Hoàng Lan cũng chẳng còn trong sạch gì! Cả linh hồn lẫn xác thịt. Trong những lá thư đó chả tố cáo tất cả tội lỗi của nàng là gì? Ai bảo đi yêu một người chết? Ai bảo chỉ có người chết là trong sạch? Sao không nghĩ đến rằng trước khi người con gái ấy chết thì người con gái ấy đã sống? Đã sống như trăm nghìn người con gái khác đương sống chung quanh mình, mà mình vẫn ghê sợ.

Thôi! Từ nay thế là hết! Thế là chết! Còn biết bám víu vào đâu mà tìm ra lẽ sống bây giờ?

Chàng nhớ lại câu nói của Quang khi trước:

– Chắc gì linh hồn người ấy đã trong sạch, đáng để các anh yêu.

Và câu nói của Hoàng Diệp lần gặp nàng đầu tiên:

– Vậy mà với chị tôi mối tình của hai ông mới là mối tình đầu tiên đấy thôi.

Chính người em gái ấy cũng nhầm rồi.

Điệp ngồi thẳng người lên, lau ráo nước mắt, nói một mình:

– Khóc làm gì! Vô ích.

Chàng đã đi đến chỗ tuyệt vong. Không cần khóc nữa, cũng như không cần gì cả.

Chàng lẳng lặng giơ từng chiếc thư và ảnh vào lửa mà đốt dần cho đến hết.

Trong khi đốt Điệp có cảm tưởng chua xót là mình đã đốt đi cả hạnh phúc, mà đống than tàn lạnh kia là hình ảnh cuộc đời chàng.

Suốt đêm hôm ấy chàng không ngủ. Và tuy biết rằng: Khóc làm gì! Vô ích. Vậy mà chàng cứ khóc. Nước mắt làm nhòe con bướm thêu trên mặt gối.

Điệp còn một điều phân vân là:

– Không biết câu chuyện này có nên nói cho Tuấn biết không?

Tuấn biết thì Tuấn sẽ khổ, thành ra khổ cả đôi. Thà mình chịu khổ âm thầm một mình. Nhưng không để cho Tuấn biết, cứ yên cho Tuấn theo đuổi mãi công cuộc yêu đương mà mình biết rõ chẳng có gì là cao quý cả, thì thương hại cho Tuấn biết bao nhiêu!

(Còn tiếp)

Nhà Lưu niệm Nguyễn Bính

You May Also Like

More From Author

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *