Categories
Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội

CHƯƠNG III – Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội

CHƯƠNG III

Tuấn và Điệp đi rẽ vào ngõ chả cá. Hai cái bóng đen đổ xuống mặt đường rất dài. Tuấn cười bảo Điệp:

– Kể cũng lạ thật! Cả Hà Nội có một ngõ chả cá, Ngõ chả cá chỉ có hai hàng bán chả cá, hai hàng bán chả cá chỉ có một hàng ngon.

Điệp hỏi:

– Sao không ai mở thêm ít nhà nữa, Điệp tin rằng ở Hà Nội có thêm mấy hàng chả cá nữa cũng vẫn đắt như thường. Người các nơi về Hà Nội đều tìm được chả cá mà ăn. Vì chỉ có món ăn ấy là món ăn có phong vị Việt Nam đặc biệt.

Tuấn đáp:

– Không hiểu sao chỉ có hai hàng này là bán được. Ấy! trước đây mấy năm, chẳng có một hiệu chả cá mở ở Bờ Hồ là gì! Sang trọng, sạch sẽ, lịch sự bằng mấy những hiệu này, vậy mà vẫn không sống được.

– Hình như giời đã phù hộ cho hai nhà này, được truyền tử nhập tôn hưởng về cái lợi bán chả cá.

– Tôi thì tôi cho chắc họ có cái bí thuật gì làm cho chả cá ngon, mà người ngoài không biết.

Điệp phì cười:

– Chúng mình rõ đến dở hơi! Biết rằng chả cá ngon, đến nỗi ông Tản Đà đã có một lần phải ca tụng nó vừa bằng văn xuôi, vừa băng văn vần trên báo: vậy thì chúng mình hãy cứ ăn, cứ uống rượu cho thật túy lúy với chả cá.

Chương III – Hai người điên giữa Kinh thành Hà Nội
Chương III – Hai người điên giữa Kinh thành Hà Nội

Hai người lên đến gác hàng chả cá thì đã gặp Trần ở đấy, Trần là bạn thân của hai người, và cũng là một nhà thơ. Thơ chàng điêu luyện, cổ kính, đẹp như một bức tranh Tần. Trần nhiều tuổi hơn Tuấn và Điệp, da chàng đen nên mỗi khi chàng cười, để lộ hai hàm răng trắng ra, có người đã gọi miệng cười ấy là một cái chớp nhoáng. Trần có một con chó bông trắng đi đâu chàng cũng cho nó đi theo.

Trần thấy hai người thì reo lên:

– Trời ơi! Hai chàng! Ban nẫy tôi đến đằng nhà tìm hai chàng thì hai chàng đã đi rồi.

Điệp hỏi Trần:

– Định cho đi ăn chả cá phải không?

– Đúng. Chiều hôm nay sao tôi tự nhiên thấy buồn lạ! Có những buổi chiều thường làm cho người ta buồn. Tôi liền nghĩ đến đi uống rượu. Lại thêm gió lạnh nhiều quá! Thành ra cái hứng đi uống rượu càng tăng. Tôi định đến rủ các anh, vì không khổ gì bằng phải uống rượu một mình.

Tuấn nói đùa:

– Vậy ra không phải vì quý chúng tôi mà vì anh không muốn uống rượu một mình nên anh mới đến rủ chúng tôi?

Trần cười:

– Vì cả đôi. Các anh phải hiểu rằng tại sao tôi chỉ tìm đến các anh mà không tìm người khác. Chúng ta còn thiếu gì người quen, phải không các anh?

Điệp đáp:

– Chính thế. Người quen chúng mình thì rất nhiều chứ bạn chúng mình thì rất ít. Mà ở đời, có hiểu thật nhau thì hãy nên chơi thân với nhau. Tôi còn nhớ có một lần đi uống nước chanh với một người quen, chỉ vì mình mải nghĩ đến một người con gái, mà không đáp lại lời mời quấy đường của người ta. Người ta vội cho ngay là mình khinh người và phao lên là Bần tiện. Cho nên từ đó tôi rất sợ phải gần những người không quen thân.

Người bồi đã mang chả cá lên. Trần vừa rót rượu ra ba cốc vừa nói:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Chúng mình thật là có duyên với nhau quá! Nào! Hôm nay thì phải uống cho thật say.

Tuấn cũng nói:

– Hôm nay thì phải uống cho thật say.

Điệp nhắp một hơi rồi để chén xuống bàn, nói với Trần:

– Sáng hôm nay chúng tôi vừa làm một việc khá gọi là phi thường.

Trần hỏi luôn:

– Việc gì? Việc gì mà lại có thể gọi là phi thường?

Điệp liền kể:

– Sáng nay, hai chúng tôi đi chơi, đến chỗ bán hoa phố Tràng Tiền, thấy hoa ti-gôn đẹp liền mua, rồi trông nhau mà cười, không biết mua để làm gì. Ở nhà thì không có bình cắm hoa, muốn đem tặng một người đàn bà con gái nào đó, thì nghĩ ra cả hai đứa đều không có một người tình nhân hoặc một bà bạn gái nào để tặng hoa cả. Nhân có chuyến xe điện chạy xuống Bạch Mai, chúng tôi liền xuống Bạch Mai.

Điệp dừng lại chỗ này, để Trần phải hỏi:

– Tôi chưa hiểu các ngài đem hoa xuống Bạch Mai để làm gì?

Tuấn đố Trần:

– Đố biết!

– Bố ai mà biết được!

Điệp nhắm một hơi rượu, khề khà gắp một gắp chả và các thứ gia vị vào bát, rồi mới thong thả kể tiếp:

– Chúng tôi xuống ngã tư Trung Hiền rồi xuống nghĩa địa P. T. Chúng tôi tìm một cái mộ người con gái chết non.

Trần hỏi:

– Không phải là người quen với các anh?

– Nếu là người quen thì còn nói chuyện gì!

– Rồi sao nữa?

– Chúng tôi đã tìm đến một cái mộ. Có tấm bia khắc chữ: Vương Thị Hoàng Lan chi mộ. 17 tuổi, mất ngày 14 tháng một năm Mậu Dần. Chúng tôi đặt bó hoa lên trên mộ, thắp hết một thẻ hương rồi về.

Tuấn gật gù:

– Vương Thị Hoàng Lan! Cái tên đẹp đấy chứ, anh Trần nhỉ! Tên đẹp thế chắc là người phải đẹp lắm.

Trần phá ra cười:

– Không biết người có đẹp không, chứ các anh thì quyết là những thằng điên.

Điệp nghiêm trang hỏi lại:

– Anh bảo chúng tôi điên? Không! Không đời nào! Có chúng tôi khổ sở vì con gái nhiều rồi thì có.

– Những người khổ sở nhiều vì con gái cũng có thế gọi là điên được đấy.

Tuấn nói:

– Mà chúng tôi lại cho anh biết thêm rằng: có lẽ chúng tôi còn yêu người ta nữa cũng chưa biết chừng.

Trần lại cười:

– Thế thì có giời hiểu. Bao nhiêu người sống sờ sờ, các anh không yêu, lại đi yêu người chết đã tám mươi trăng rằm.

Điệp hăm hở đáp lại:

– Anh tưởng những người con gái sống chung quanh ta có thể yêu được đấy à! Họ còn sống là họ còn có thể phụ mình, họ còn coi cái giầu sang to hơn tấm chân tình. Thà yêu một người chết, một người đã chết. Người đã chết thì không bao giờ còn có thể sống lại mà phụ bạc được nữa.

Trần vẫn cười chế nhạo:

– Tôi đến chịu các ngài, các ngài lý luận với tình yêu nhiều quá!

– Không, sự thật nó thế. Anh có lẽ chưa một lần nào bị người yêu phụ bạc, nên anh mới còn lạc quan đối với đàn bà. Chúng tôi, chúng tôi đã phải nhiều, giờ thật là Kinh cung chi điểu rồi. Chúng tôi đã hiểu rõ họ hơn ai hết thẩy. Lòng họ thấp và nghèo vô cùng. Chắc anh còn nhớ câu chuyện tình duyên của tôi với Hồng Hương sông Thương chứ gì! Đấy! Sự thật nó thế!

– Vậy các anh định theo đuổi cuộc tình duyên với người chết ấy ra thế nào?

Tuấn đáp:

– Đừng nói thế vội. Chưa chắc chúng tôi đã yêu người ta. Để chúng tôi phải xét xem lòng có thật yêu không đã.

Điệp đỡ lời:

– Nhưng chắc chắn sáng chủ nhật sau chúng tôi lại mua hai bó hoa.

Trần hỏi ngay:

– Lại đi xe điện xuống Bạch Mai?

– Chính thế! Chúng tôi lại tìm đến nghĩa địa lại tìm đến mộ Vương Thị Hoàng Lan. Lại đặt hoa và thắp hết một thẻ hương lên trên mộ ấy.

– Rồi về?

– Cố nhiên là về.

– Và tối hôm ấy lại đi ăn chả cá?

Ba người cùng cười. Điệp nói thêm:

– Và uống rượu đến kỳ say.

Trần gọi người hầu bàn lấy thêm rượu rồi nói với Tuấn và Điệp:

– Hãy biết hôm nay thì phải uống say mềm ra đã. Biết làm thơ thì phải biết uống rượu. Những nhà thơ thì tất phải uống được rượu, tất phải lấy căn cước vào túy hương, đê được ngồi cùng chiếu với Lưu Linh Lý Bạch chứ.

Tuấn cười:

– Cái gì thì từ, chứ rượu thì không bao giờ từ.

Trần nói:

– Phải đó!

Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu(*) kia mà.


Gặp tri kỷ mà uống rượu thì nghìn chén cũng là ít.

(Còn tiếp)

Nhà Lưu niệm Nguyễn Bính

You May Also Like

More From Author

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *